Thứ Sáu, 13 tháng 8, 2021

Nhà văn Sơn Nam, người Thầy trong tâm trí tôi

Vào khoảng năm 1990, tôi đến Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh ở số 52, Bạch Đằng, Thị xã Thủ Dầu Một, tỉnh Sông Bé để gửi bản thảo truyện ngắn. Đó là một ngày hạnh phúc bất ngờ và đầy may mắn đối với một người mới “tập tễnh” cầm bút như tôi.

Bước vào văn phòng hội, tôi gặp ngay nhà văn Trần Bình Dương, lúc bấy giờ anh là biên tập báo Văn nghệ, (Sau này anh là phó chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Bình Dương), anh đang trò chuyện với một người mà tôi đã được thấy hình ảnh qua sách báo, đó là “Nhà văn Sơn Nam”. Tôi “chào Bác” và anh Trần Bình Dương cùng với bản thảo trên tay.

Nhà văn Sơn Nam (1926 – 2008)

– Đây là Nhà văn Sơn Nam đó Phan Hai.

Anh Trần Bình Dương đang sửa soạn mời nhà văn Sơn Nam đi dùng cơm trưa. Anh rủ tôi đi cùng. Anh chở nhà văn Sơn Nam, tôi chạy xe theo sau. Nhà văn Sơn Nam dáng gầy gò, trông khắc khổ, bước đi liêu xiêu, nhưng, khi bước chân bác chững lại, chạm đất, trông dáng người bác rất cương nghị, phong thái dung hòa.

Quán cơm Tây Hồ ngày ấy cũng bình dân. Chúng tôi ngồi vào cái bàn tròn xếp, mặt nhôm trắng. Anh Trần Bình Dương ngồi bên tay phải của bác, tôi ngồi bên trái. Nhà văn Sơn Nam gỡ túi xách đen khỏi vai, tìm chỗ đặt. Tôi đỡ lấy “Dạ, bác…”. Định lấy ghế đặt chiếc túi xách, song tôi lại thấy khung bàn xếp, tôi cột quai túi vào khung bàn, để chiếc túi được treo gọn dưới tay bác. Thoáng ngạc nhiên, rồi lại như mỉm cười, ngày ấy Bác Sơn Nam hỏi tôi:

– Cô viết về lĩnh vực nào?

– Dạ thưa bác, con viết văn

… Dạ …là truyện ngắn …con viết… dở lắm.

– Không sao, cô cứ viết, cái nào đăng được thì đăng, chưa đăng được thì để đó. Cứ lo viết tiếp…

Bác Sơn Nam nói như động viên tôi. Lúc bấy giờ, tôi có nghe các anh nói bác là nhà văn, nhà báo, nhà Nam bộ học, nhà khảo cứu văn hóa Việt Nam. Bác có rất nhiều tác phẩm được độc giả yêu thích đón đọc, mà tác phẩm nổi bật nhất là “Hương rừng Cà Mau” (Xuất bản năm 1962). Vừa dùng cơm, thỉnh thoảng bác Sơn Nam và anh Trần Bình Dương lại trao đổi với nhau về chợ Thủ xưa và nay, nhịp sống, dân tình, đất và người Bình Dương. Bỗng ông khẽ quay sang tôi:

– Viết văn phải chú ý lời ăn tiếng nói, phong tục tập quán vùng miền…

– Dạ…

Bác Sơn Nam lại quay sang anh Trần Bình Dương nói về những làng nghề truyền thống xưa ở đây. Tôi xới cơm mời bác Sơn Nam lưng chén, lòng lo lo, không biết món canh chua cá lóc, cá kho tộ của quán có hợp khẩu vị của bác không? Anh Trần Bình Dương trò chuyện vui vẻ, chú ý lắng nghe lời bác kể. Rồi bác Sơn Nam quay sang tôi:

– Viết truyện phải “trơn”, nếu thấy còn “sượng” thì nên xem

lại…

– Dạ…

Bác Sơn Nam đứng lên bước đi vài bước chợt quay lại. Tôi gỡ túi xách đen đưa cho bác. Sau gọng kính cận rất dày, mắt bác Sơn Nam ánh lên nét tinh anh, vui tươi, miệng cười hóm hỉnh. Lúc ấy, trông bác Sơn Nam hiền lành, bao dung, nhân hậu biết bao.

Sau lần được gặp bác Sơn Nam, mỗi khi đặt bút viết, tôi lại nhớ đến những lời nói của bác ngẫm lại thấy mình dở tệ. Cầm bút đã khó, viết được còn khó hơn, nói chi đến viết hay, viết bền bỉ…Trong tâm trí, tôi tự nghĩ những lời nói của bác Sơn Nam là lời dạy bảo của bậc tiền nhân.

Dù mình không có tài, không viết được hay, nhưng cái tâm của người của cầm bút luôn phải giữ.

Thời gian trôi qua lâu, nghe tin bác Sơn Nam bệnh, rồi nghe tin bác đã từ trần. Lòng tôi buồn vô hạn. Nhưng rồi lại được tin, nhà văn Sơn Nam được an nghỉ ở Hoa viên Nghĩa trang Bình Dương. Sau nỗi buồn thương, kính trọng bác Sơn Nam, trong lòng tôi cảm thấy ấm áp vô cùng vì bác Sơn Nam đã chọn về yên nghỉ nơi đây. Chắc hẳn những năm tháng rong ruổi “phong sương” ấy, nhà văn Sơn Nam đã tìm thấy vùng đất an lành, bầu trời trong sáng, bình yên để cho “hạt bụi” được kết tinh bởi đất trời Việt Nam, hào khí của Nam bộ được “nghiêng mình” an nghỉ nơi đây.

Nhà văn Sơn Nam an nghỉ tại khu mộ nghệ sỹ Hoa Viên Bình Dương

Sau nhiều năm tháng miệt mài rong ruổi khắp mọi nẻo đường, mọi miền quê để tìm hiểu, cảm nhận cảnh vật, con người, ngôn từ, khí phách, tính cách của người dân Nam bộ, nhà văn Sơn Nam đã để lại cho đời hơn 10 ngàn trang sách trong hơn 44 đầu sách, hơn 400 truyện ngắn, với hơn một chục tiểu thuyết và truyện vừa, với hơn 20 biên khảo về Nam bộ, đất và người. Thật là quý báu lắm thay.

Tác giả: PH

Bài viết Nhà văn Sơn Nam, người Thầy trong tâm trí tôi đã xuất hiện đầu tiên vào ngày CPHACO.



Bài viết gốc của CPHACO tại: CPHACO https://ift.tt/3sdE0Eq

0 nhận xét:

Đăng nhận xét