Thứ Hai, 14 tháng 3, 2022

Nhớ về nguồn cội tổ tiên

Như thông lệ hằng năm, ban lãnh đạo Hoa viên nghĩa trang Bình Dương đều trang trọng tổ chức ngày Đại lễ Thanh Minh. Đặc biệt, năm nay lễ được tổ chức khi đền thờ Quốc tổ Hùng Vương đang lạc thành, lại mang nhiều ý nghĩa.

Thanh Minh trong tiết tháng ba, Lễ là tảo mộ, hội là đạp thanh.

Tiết Thanh Minh nằm trong thời điểm tháng ba âm lịch, lúc trời trong gió mát, cây cỏ khoe sắc xanh tươi, vì vậy mà người xưa đã chọn làm ngày hội đi trên cỏ xanh (đạp thanh), và đây cũng là thời điểm thích hợp để người sống tưởng nhớ đến người quá cố, lo sửa sang, chăm sóc lại mồ mả (tảo mộ) theo quan niệm “sống có nhà, thác có mồ”.

Với ý nghĩa là làm mới lại phần mộ của những người đã khuất theo quan niệm “Âm dương đồng nhất lý”. Người sống như thế nào thì người chết cũng được như thế ấy. Tiết Thanh Minh lại được dành riêng cho ngày giỗ họ. (Ngoại trừ một số ít dân tộc họ không lấy ngày Thanh minh mà chọn ngày mất của một vị cao Tổ để làm ngày giỗ họ). Tuy nhiên, trước ngày giỗ họ thì con cháu cũng phải viếng thăm mồ mả người thân. Như vậy, với người Việt Nam ta có đến hai lần tảo mộ, trong năm: Vào những ngày cuối năm âm lịch và dịp Thanh Minh.

Nhân đây, chúng tôi xin được nói qua về một số tập tục trong việc cúng giỗ họ trong dịp tiết Thanh Minh. Ai cũng biết, người Việt Nam ta vốn coi trọng người đã khuất. Quả là ý niệm trân trọng của tinh thần hướng về gốc nguồn cội rễ nên đối với những người đã quá cố thì ai cũng có sự tưởng nhớ, tâm kính đặc biệt. Thờ cúng tổ tiên ông bà chính là thể hiện thực tế cho tấm lòng tôn kính ấy.

Hầu như gia đình nào cũng có lập bàn thờ gia tiên, bài trí ngay nơi trang trọng nhất trong nhà. Đến ngày kỷ niệm của người đã khuất, dù giàu dù nghèo, họ đều tổ chức cúng thật trang nghiêm, mời bà con quyến thuộc, xóm giềng về tham dự. Nhưng việc cúng bái riêng lẻ ấy cũng chỉ dành cho những người đã khuất có từ ba đời (tam đại) trở lại.

Những bậc tiền bối lâu đời hơn được cung thỉnh về thờ chung nơi nhà từ đường hoặc nhà thờ họ. Nói như thế không có nghĩa là Từ đường hoặc nhà thờ họ chỉ dành riêng để thờ cúng những bậc tiền bối cao đời, mà còn là nơi tập hợp để thờ cúng tất cả những hương linh trong tộc họ không phân biệt nội ngoại.

Các tộc họ lớn hoặc vừa đều có nhà thờ họ riêng để thờ phượng các bậc cao tằng tổ khảo của những người đã quá vãng trong dòng họ. Nhà thờ họ được xây cất trên khu đất chung của tộc họ do sự chung tay đóng góp tùy theo khả năng. Nhà thờ được chia ra làm ba gian để thờ phượng tiên linh, hương linh tùy theo hệ phái lớn nhỏ xa gần mà đặt bài vị thứ bậc cao thấp khác nhau. Hai bên nhà thờ chính còn có nhà Đông dùng cho việc cất giữ dụng cụ và phục vụ việc nấu nướng cho ngày lễ. Nhà Tây dùng làm nơi đặt bàn đãi khách và bà con thân thuộc đến dự giỗ họ. Người Trưởng tộc có trách nhiệm tổng thể nhưng hằng năm đều có tổ chức bầu ra ban Quản lý nhà thờ để luân phiên thay nhau lo việc hương khói, tế tự.

Có dòng họ thiết lập được gia phả, nhưng cũng có dòng họ chỉ ghi chép vào quyển sổ lớn tất cả danh sách của bà con thuộc các hệ phái xa gần. Gia phả hoặc quyển sổ ghi chép này được cất giữ cẩn thận trong nhà thờ họ, chỉ được lấy ra vào ngày lễ chính thức trong năm do đích thân người Trưởng tộc, và cũng chính người này mới là người có quyền bổ sung thêm vào danh sách mới. Và đây cũng chính là đầu mối của sự kết nối thân tình để con cháu có thể biết rõ nguồn gốc, tránh được những sự lỗi lầm đáng tiếc trong dòng họ. Ông bà ta vẫn thường nhắc nhở: “Bà con chín đời không nhìn trời đánh” để nhắc nhở con cháu luôn luôn phải nhớ về nguồn cội gốc rễ của mình.

Đến ngày giỗ họ, tất cả con cháu dù có đi làm ăn xa bất cứ nơi đâu cũng đều tìm cách trở về tham dự. Họ hàng tụ tập lại thật đông vui. Nhiều người cũng nhờ đó mà biết được mình thuộc về hệ phái nào, bà con xa gần ra sao, đứng ở cương vị nào trong tộc họ. Làm ăn phương xa đôi lúc gặp nhau không khéo cứ tưởng như “người dưng nước lã”. Thậm chí đến việc tình cảm giữa đôi lứa cũng vì sự “xa lạ” ấy mà nhầm lẫn cũng vẫn có thể xảy ra thì thật là đáng tiếc!

Giỗ họ thường được tổ chức trong hai ngày liên tục, có cờ đuôi nheo dựng trước sân, có chiêng trống và nhạc bát âm phục vụ, có thầy lễ xướng cúng, văn tế hẳn hoi. Ngày đầu tiên gọi là tiên thường, cũng là thời gian gặp gỡ quyến thuộc xa gần để “ôn cố tri tân”, góp ý xây dựng cho những người lầm lỡ, ngợi khen những cá nhân, gia đình sống tốt. Hôm sau gọi là ngày chánh kỵ. Tất cả đều ngưng công việc để hướng về việc cúng tế. Chiêng trống, nhạc bát âm liên tục nổi lên cho đến người cuối cùng bước vào trước bàn thờ hành lễ.

Trên đây chỉ là khái quát một số nghi thức tổ chức giỗ họ vào dịp lễ Thanh Minh hằng năm, ở quê tôi.
Xã hội ngày càng phát triển, cuộc sống không thể đứng yên một chỗ. Những người con từ quê hương đã phải tỏa ra muôn hướng để tìm cuộc mưu sinh. Nhưng lễ Thanh Minh không mất trong lòng người. Hằng năm, Hoa viên nghĩa trang Bình Dương đều tổ chức trọng thể đã làm sống lại tập quán tốt đẹp này, vừa tạo điều kiện để cho thân nhân những người quá cố đang nằm ở đây, để cho những người xa xứ có dịp tìm về nhớ lấy cội nguồn gốc rễ.

Tác giả: Kim Hoa

Bài viết Nhớ về nguồn cội tổ tiên đã xuất hiện đầu tiên vào ngày CPHACO.



Bài viết gốc của CPHACO tại: CPHACO https://ift.tt/yCfY0Nr

0 nhận xét:

Đăng nhận xét